Phong thủy Lạc Việt

Kiến thức phong thủy

Bí ẩn của hình tượng ngựa cụt đuôi trong Phong Thủy

Trong một chuyến du lịch tại Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu lý học đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Tuấn Anh phát hiện một chi tiết lạ và khá thú vị, khi thấy một đôi tượng ngựa lớn được bố trí trấn ở hai bên hông cửa chính của một nhà hàng lớn và nổi tiếng PF CHANG 3 China Bistro, tại bang Bantimore. Trước cửa nhà hàng này có một đôi ngựa có dáng to lớn, mạnh mẽ, rất khí thế, nhưng lại có cái đuôi …ngắn và cụt. Điều này đã gây nên sự chú ý của nhà nghiên cứu Lý học Nguyễn Vũ Tuấn Anh. Ông đã chụp ảnh và đưa hiện tượng này vào trong lớp Phong Thủy Lạc Việt để nghiên cứu và tìm lời giải đáp bí ẩn này.

 

 

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh và toàn cảnh mặt tiền nhà hàng PF CHANG 3 China Bistro.

 

Tượng ngựa "cụt đuôi"

 

 

Cận cảnh cái đuôi cụt

Với tư cách là một người thầy truyền đạt lại kiến thức Phong Thủy Lạc Việt, ông thường khuyến khích các học viên:

"Để phục hồi những giá trị đích thực của Phong Thủy, phải tham khảo, tìm hiểu và sưu tầm tất cả những kiến thức liên quan đến phong thủy còn lưu truyền trong dân gian và hiệu chỉnh nó theo nguyên lý căn bản của Phong Thủy Lạc Việt".

Người viết bài này, chỉ là một học viên mới theo học lớp Phong Thủy Lạc Việt, nhưng được thày Nguyễn Vũ Tuấn Anh hướng dẫn và giao trách nhiệm tìm hiểu hiện tượng này. Sau khi đã tham khảo nhiều ý kiến khác nhau với các anh chị em trong lớp Phong Thủy Lạc Việt, tôi đã sưu tầm tài liệu thêm, tổng hợp lại và viết về đề tài này với sự ủng hộ và khuyến khích của thày cùng anh chị em.

Trên cơ sở những tư liệu và tri thức tiếp thu được từ Phong Thủy Lạc Việt, tôi nhận thấy rằng việc trấn yểm bằng vật khí trong Phong Thủy đều phải dựa trên một nguyên lý của sự tương tác với thực tại, hoặc dựa trên ý nghĩa biểu trưng. Ví như muốn thăng quan tiến chức, người ta có thể dùng hình tượng “ Mã thượng phong hầu” (tượng một con khỉ trên lưng con ngựa) đặt vào bàn làm việc hay vị trí thích hợp thì sẽ có những tương tác thuận lợi theo mong ước của mình. Lý do của việc dùng hình tượng này là chữ “hầu” nghĩa là khỉ cũng trùng âm với chữ “hầu” trong “vương hầu”. Cặp từ “ Phong hầu” có nghĩa là lên chức, tiến chức, còn chữ “Mã thượng” mang ý nghĩa là ngay lập tức. Do vậy hình tượng con khỉ ngồi trên lưng con ngựa là hình ảnh hàm ý cho câu “ Mả thượng phong hầu” thể hiện chủ ý cầu mong sự thăng quan tiến chức nhanh chóng.

Trở lại hình tượng ngựa cụt đuôi.

Có người cho rằng hình tượng ngựa cụt đuôi cũng tồn tại trong thời nhà Tần. Nhưng lần tìm trong các tư liệu cũng như hình ảnh về thời nhà Tần cũng không có được hình tượng ngựa cụt đuôi mà trái lại qua những dấu tích khai quật mộ Tần thủy Hoàng thì tất cả hình ảnh ngựa được thể hiện là ngựa chiến với chiếc đuôi còn nguyên vẹn và uy phong của tượng ngựa thật tráng kiện và hào hùng của những con ngựa chiến, khác hẳn với vẽ “dịu dàng” và nhã nhặn của ngựa cụt đuôi.

Tượng ngựa và chiến binh bằng đất nung thời Tần.
Chợt nghĩ rằng có thể trong hội họa, hình ảnh ngựa cụt đuôi họa chăng cũng thể hiện ít nhất một đôi lần. Tôi liền đến hỏi một họa sĩ chuyên nghiệp trong nghệ thuật hội họa tranh Thủy Mặc thì một sự bất ngờ khác làm tôi lấy làm vô cùng thú vị ở câu đầu tiên ông nói ngay “ Không phải ngựa cụt đuôi mà đúng ra là ngựa…cột đuôi” (!). Hình ảnh này xuất hiện từ thời nhà Đường của Trung Quốc. Sự đính chính này càng làm thêm bất ngờ. Tôi hỏi vị họa sĩ ấy vì sao lại là “cột đuôi” và ý nghĩa ra sao thì ông cũng chỉ lắc đầu cũng không biết lý do. Dẫu vậy cũng là một chi tiết khá thú vị khi truy nguyên ý nghĩa của cái sự “cột đuôi ngựa”.
Lần tìm mãi cuối cùng cũng được một chi tiết quan trọng, đó là một bức tranh vẽ cảnh "Quắc Quốc và Hàn Quốc Phu nhân cùng các cung nhân và thị nữ cưỡi ngựa đi chơi dã ngoại vào mùa xuân ở bên ngoài thành Trường An”. Hai bà này là hai bà chị ruột của Dương Quý Phi, và đồng thời cũng là Phi tần được Vua Đường Huyền Tông sủng ái. Trong bức tranh, tác giả của bức tranh thể hiện bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ngựa, cả người lẫn ngựa đều phục sức và được trang sức hết sức sang trọng, nhìn vào đó người xem có thể mường tượng được phần nào nếp sinh hoạt cự kỳ xa hoa hưởng lạc của giới quý tộc thời Thịnh Đường. Cương ngựa thì bằng bạc hoặc vàng có nạm ngọc, yên ngựa thì được bọc gấm thục tố nhiều màu và thêu thùa cầu kỳ, bờm ngựa được thắt thành ba chùm có trang sức gọi là Tam-hoa, còn đuôi ngựa thì được tết thành bím chung với những sợi tơ óng ả nhiều màu, có khi được cột lại phía dưới như kiểu búi tó. Nguyên bản của tranh này do Lý Tư Huấn vẽ vào thời kỳ Thịnh Đường, về sau lại được vua Huy Tông nhà Tống vẽ lại (phiên bản của Tống Huy Tông hiện do Viện bảo tàng Liêu Ninh cất giữ).
Quắc Quốc và Hàn Quốc phu nhân đi dã ngoại mùa xuân (Tranh của Tống Huy Tông [TK thứ 12] vẽ dựa theo tranh gốc của Lý Tư Huấn [TK thứ 8] – Viện bảo tàng tỉnh Liêu Ninh)
Như vậy, từ chi tiết trên có thể hiểu hình ảnh ngựa cột đuôi, ngựa đuôi bím hoặc là ngựa đuôi tó là hình ảnh của sự giầu sang, phú quý xa hoa thịnh đạt. Sang giầu là tham vọng và ước mơ của con người cho nên hình tượng con ngựa cột đuôi là hình tượng thể hiện hoài vọng ước muốn may mắn, ước mơ phát phú phát quý được dùng trong phong thủy, có lẽ đã được xuất phát từ đây.
Thử trở lại nhìn những tượng ngựa dùng làm vật phẩm may mắn trong phong thủy, dễ dàng tìm thấy đuôi ngựa không phải bị cụt mà được thể hiện thành một đoạn ngắn bó lại hoặc là một tó dài. Và có thể lâu dần trong quá trình sản xuất, người sản xuất cũng không biết tại sao phải tó lại nên từ từ vô tình làm teo đuôi hoặc ngắn cụt đuôi ngựa đi. Một số tượng gốm cổ tam sắc của thời nhà Đường cho thấy người cưỡi trên con ngựa cột đuôi là hình hảnh có thể là người quyền quý thượng lưu hay những người thuộc hàng trung lưu hay chí ít cũng là văn nhân thuộc giới văn sĩ. Một lẽ tất nhiên hoặc đồng bộ rằng dáng vẽ của con ngựa một cách tự nhiên trở nên mềm mại văn tao không còn thấy được nét võ dũng như hình ảnh ngựa truyền thống với đuôi dài bung xòe mạnh mẽ khí thế.
Một số hình ảnh ngựa trong mộ Tần Thỉ Hoàng, vật phẩm may mắn và tượng ngựa men tam sắc (cổ vật) thời nhà Đường
Nếu theo truyền thống, ngựa được thể hiện qua tranh tượng là hình tượng của sự dũng mảnh, tự do, hoang dại hay chiến thắng cho nên từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây với chiếc đuôi dài dũng mãnh, đi kèm với nó là hình ảnh người anh hùng hoặc chiến binh thì ngược lại một chiến binh cưỡi trên một con ngựa bị cụt đuôi hay cột đuôi thì đó lại là một hình ảnh phảm cảm và tuyệt nhiên không giá trị.
Do vậy hình ảnh ngựa cột đuôi hay ngựa đuôi tó là hình ảnh của sự ước mơ sang giầu, phú quý bắt nguồn từ hình của lối sống xa hoa dư dật của các bậc vua tôi, vương giả quan quyền, quý tộc của thời nhà "Đường đại thịnh vượng” trong các triều đại Trung Hoa cổ. Từ đây có thể thấy rằng việc dùng hình tương ngựa đuôi tó hay cột đuôi làm vật phẩm cầu may trong phong thủy hay dùng làm những vật khí hình tượng trấn yểm trong phong thủy từ trước tới nay là thể hiện mang tính biểu trưng hay ước lệ cho sự cầu mong may mắn trong cuộc sống, ước mong giầu sang, phát phú phát quý, tài lộc cường thịnh dồi dào và các vật khí tượng ngựa như là một phương tiện cầu tìm sự trợ giúp, khai thác hiệu ứng của hình tượng trong tương tác với thực tại của phong thủy.
Vì sao lại là tượng Ngựa?
Một câu hỏi được đặt ra như vậy cho một hình tượng phổ biến. Nếu tượng ngựa chỉ mang tính ước lệ, hình tượng biểu trưng cho sự hoài mong bình an phú quý thì cơ sở nào cho “niềm tin” đó?
Tòa nhà NongSim tại Seoul, Hàn Quốc.
Trước khi trả lời cho câu, người ta vẫn thấy sự hiển nhiên của việc ứng dụng hình tượng ngựa, không kể cột đuôi hay đuôi xòe, trong phong thủy hay trong trang trí nội thất theo văn hóa đông phương. Thông thường, các cá nhân hay doanh nghiệp vẫn thích dùng tranh ngựa hay tượng ngựa để trang trí ở nhà riêng hay trụ sở, hoặc theo lời tư vấn phong thủy hoặc do truyền thống cộng đồng hoặc do sở thích riêng tư. Như vậy hình tượng ngựa được xem như một loại phù của vận may hay phù hóa sát . Ví như một người muốn thúc đẩy vận số xuất ngoại hay du lịch nhanh chóng thì bằng phương pháp riêng chỉ cần đặt tượng ngựa ở vị trí thích hợp hay cung thích hợp, hiệu ứng xuất ngoại, di chuyển đi xa sẽ có tác dụng ngay sau đó. Hoặc như trong việc hóa sát khí, có thể dể dàng nhận thấy trường hợp của tòa nhà Nongsim ở thành phố Seoul, Hàn Quốc,để hóa giải tính sát của con đường mang hình vòng cung đem lại khí Đao sát, chủ nhân của tòa nhà đã theo tư vấn phong thủy, cho xây dựng ngay lối vào, trước mặt tiền tòa nhà một nhóm 3 tượng ngựa tung tăng đi dạo. Sự giải thích cho trường hợp này , theo Jo Incheol, tác giả của cuốn ‘ Phong thủy trong bất động sản” là để tăng cường dương khí của tòa nhà. Hiện tượng này, cho thấy sự vận dụng hình tượng ngựa trong phong thủy đã rất phổ biến từ xưa đến nay và rất linh hoạt trong nhiều nước Đông phương, có vận dụng trấn yểm trong phong thủy.
Nhóm 3 tượng ngựa trước mặt tiền nhà NongSim, tại thành phố Seoul, Hàn Quốc.
Tranh Thần Ngựa đón của cải, tại vùng Triết Giang vùng Đông Nam Trung Quốc. Chân dung giống như một thần tài đón của cải, phía dưới có thùng đựng nguyên bảo.
Theo Phong Thủy Lạc Việt, quan niệm rằng hình nào khí đó, sự hiện hữu của hình tượng nào. sẽ mang khí chất của hình tượng đó và sẽ tương tác từ khí chất của nó. Sự vật động tương tác của vật chất tạo nên khí, theo định nghĩa của Phong Thủy Lạc Việt, khí này tương tác trở lại môi trường mà trong đó có con người chịu tác động và ảnh hưởng. Vì vậy khi một hình tượng phổ biến mang nội dung tích cực sẽ tạo một “trường khí tích cực”, ngược lại một hình ảnh tiêu cực sẽ làm phát sinh “trường khí tiêu cực”. Sự tác động tế vi này không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tâm lý nội tại, mà cơ bản sự tương tác đã làm biến đổi chiều hướng tác động của thực tại thay đổi theo từng sát na, từng phần triệu của giây dưới sự tác động của khí. Vì vậy, các hình tượng biểu trưng dùng làm vật khí trấn yểm trong phong thủy thường mang tính tích cực, hình ảnh đẹp đẽ và mang nội dung ý nghĩa lạc quan đậm nét văn hóa nhân văn. Sự vận dụng hình tượng ngựa cũng không ngoài ý nghĩa đã nêu trên. Và không chỉ vậy, các hình tượng khác cũng được dùng một cách linh hoạt và ảo diệu nhằm mang lại bình an, may mắn, hạnh phúc phục vụ cho mục đích sống cả con người là Chân – Thiện – Mỹ. Phong Thủy Lạc Việt không chỉ vận dụng những phương pháp tạo hiệu quả tốt đẹp về mặt phong thủy phục vụ mục đích sống của con người mà còn nghiên cứu và có thể giải thích hiện tượng liên quan đến phong thủy, vén lên bức màn bí mật của phong thủy đã bị thời gian khỏa lấp.
Tp HCM, ngày 17/9/2009 Thiên Đồng
Tham Khảo:
- Cẩm nang phong tục dân gian Ngũ Phúc Lâm Môn, tg Nguyễn Huy Cố, NXB Lao Động Xã Hội.
- Phong Thủy trong bất động sản, tg Jo Incheol, NXB Tổng hợp TP HCM.
- Web vietsciennce.free.fr -web.google.com
Bài viết khác